Cây sô 12 đường 20 là câu chuyện được viết về một cung đường gánh chịu sự khống liệt nhất của bom Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Trong cái sự khốc liệt ấy vẫn nảy sinh một câu chuyện tình đẹp nhưng hết sức trái ngang giữa nữ tù bình Minh Tâm của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đại đội trưởng Hoàng Lâm một anh chiến sĩ công binh xuất sắc, lập nhiều chiến công và đang là điển hình tiên tiến được phong tặng danh hiệu Anh Hùng. Tình yêu đẹp của họ bị ngăn cách bởi bức tường vô hình của hai bên “Thù Địch” nhưng vượt qua tất cả đại đội trưởng Hoàng Lâm chấp nhận vứt bỏ mọi danh hiệu để bảo vệ tình yêu của mình. Câu chuyện hết sức cảm động được một nhân vật có tên là bác sĩ Dương, một bác sĩ quân y ghi chép lại. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam 22/12 ADMIN xin gửi tới các bạn câu chuyện này để các bạn hiểu hơn về những năm tháng hào hùng và đầy bi thương của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
CÂY SỐ 12 ĐƯỜNG 20 . (Phần 1)
Viết cho tháng 12 của lính .
Cuối mùa mưa 1968 , bác sĩ Dương lội bộ vươt núi băng rừng từ bắc đường số 9 về cây số 12 đường 20 nhận nhiệm vụ ở bệnh viện tiền phương số 1 của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Rời khỏi bản Polxavang theo đường 128 B anh phải cuốc bộ mất hai ngày trời mới về tới ngã ba Lùm Bùm rồi rẽ theo đường mòn về bệnh viện. Bệnh viện Tiền phương nằm trên một khoảnh rừng tương đối phẳng khá gần trọng điểm nổi tiếng của đường 20 để tiện cấp cứu cho thương bệnh binh .Đó là một khu rừng săng lẻ rộng mênh mông với những cây săng lẻ cổ thụ cao vút đứng sừng sững, phía dưới là những tầng rừng rậm nhiệt đới dây leo quấn quýt phủ kín . Bệnh viện chia làm hai khu trên hai khoảng đồi cây phẳng được ngăn cách bằng một dòng suối nhỏ trong vắt . Phía đông là lán trại hầm hố của thương bệnh binh , phía tây là nơi ở và làm việc của các chiến sỹ quân y. Cả doanh trại rất sạch đẹp , gọn gàng ngăn nắp núp kín dưới tán lá rừng săng lẻ .
Bác sỹ Dương là một thanh niên gốc Hà Nội , anh khoảng 25 tuổi cao dong dỏng, mắt sâu , mũi thẳng và hàng ria mép xanh xanh tạo cho anh dáng người rất tây . Thương bệnh binh khi mới tiếp xúc nhiều người hay nhầm anh với nhà thơ Phạm Tiến Duật . Tính tình anh nhẹ nhàng điềm đạm nhưng rất vui vẻ hay cười cho dù nụ cười có vẻ làm anh già hơn đôi chút vì những vết nhăn tinh nghịch hằn lên ở đuôi mắt và quanh miệng . Là một cựu binh Trường Sơn nên anh làm quen với các đồng nghiệp và hòa mình vào công việc rất nhanh. Anh đã quen với rừng sâu núi thẳm, quen với những cơn sốt rét triền miên xảy ra như cơm bữa, rồi cũng quen với những trận bom rền dội trúng vào địa điểm đơn vị . Tất cả đều đã quá quen thuộc .
ảnh minh họa
Tuy là một bác sỹ nhưng anh rất thành thạo trong việc đào hầm hố làm nhà, vác gạo , cưa săng lẻ để bổ lấy củi đun vào mùa mưa , lúc rỗi rãi anh lại tham gia lấy măng, săn thú để làm thức ăn dự trữ . Anh phải là một người chiến sỹ trước khi là người bác sỹ bận bù đầu với công việc chuyên môn của mình .
Ngày đầu tiên anh đã gặp viện trưởng là bác sỹ Khánh để được giao nhiệm vụ cụ thể về chuyên môn . Anh sẽ phụ trách khoa ngoại . Đây là một công việc khá nặng nề về mùa khô , nhất là vào những ngày cao điểm của mùa chiến dịch vì thương binh sẽ phải nhập viện khá đông và nhiều ca phẫu thuật phức tạp đang chờ anh. Viện cách đường tuyến không xa , ở đó là những tiểu đoàn công binh , những tiểu đoàn pháo cao xạ và hàng trung đoàn ô tô vận tải . Vào sâu hơn là cả khu kho liên hoàn mênh mông đường xe ra vào như bàn cờ . Đêm đêm , tiếng từng đoàn xe rì rầm vượt tuyến chở hàng vào chiến trường. Từ đèo Phu La Nhic đến ngã ba Lùm Bùm, qua Văng Mu , Thà Khống đêm đêm đèn dù pháo sáng Mỹ sáng trưng như ban ngày, tiếng OV 10 vè vè rình rập , tiếng bom rền từ trọng điểm . Có ngày bác sỹ Dương phải đứng mổ suốt tám tiếng đồng hồ dưới hầm mổ, người mệt tã , bủn nhủn . Vậy mà sáu tháng mùa khô trôi qua rất nhanh . Khi mùa mưa ập xuống là lúc phải thức suốt đêm trực cấp cứu những ca sốt rét ác tính. Có những buổi chiều từng đoàn bệnh binh sốt rét loẻo khoẻo, mắt trố môi thâm , hai chân như ống sậy dìu nhau vào viện lũ lượt từng đợt. Họ là những chiến binh Khe Sanh đào lạc ngũ , đói khát rách rưới vì lạc rừng vì bệnh tật . Cơ thể sống của họ sau nhữngtrận sốt kinh hoàng chỉ còn da bọc xương, vàng vọt xám ngoét . Có những người chỉ vào viện được vài tiếng đồng hồ đã không thể tiếp tục sống được nữa .
Bác sỹ Dương đã nhiều lần phải tổ chức cấp cứu ở những đơn vị bị trúng bom B52 , ở đó là cả một bãi xác chết mênh mông , nhưng họ đã hy sinh chỉ còn những bãi xương thịt nhầy nhụa và anh đã không hề thấy ghê sợ . Nhưng giờ đây khi phải chứng kiến những cái chết từ từ , những sự ngắc ngoải của con người anh lại thấy đau lòng khôn xiết và trong giấc ngủ chập chờn lúc nào hình ảnh những chiến sỹ trẻ tuổi như những đứa em của mình cong giật người lên trước khi chết cứ ám ảnh anh khôn nguôi .
(Còn nữa )
Vũ Hoàng Long .