Chỉ trong vòng một tháng, tại khu vực Nam Bộ đã xảy ra 3 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1). Đáng nói, cả ba trường hợp tử vong do loại cúm này đều nằm ở những người có nguy cơ cao nhưng không xác định được nguồn lây.
Thậm chí, có trường hợp nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng lại tử vong nhanh chóng. Liệu loại virus trên có biến chủng và đối tượng nào dễ bị cúm A(H1N1) tấn công?
Người già, phụ nữ có thai là nạn nhân của cúm A(H1N1)
Như báo Lao Động đã đưa tin, một sản phụ (sinh 1989, quê Kon Tum) vừa sinh con sau 34 tuần mang thai bị nhiễm cúm A(H1N1) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy đã bị tử vong vào ngày 5.6. Điều đáng nói, bệnh nhân này vừa sinh con tại BV Từ Dũ, sau đó phát hiện nhiễm cúm A(H1N1) và được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Hiện tại, đứa con của sản phụ được chăm sóc đặc biệt tại BV Từ Dũ. Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp với y tế dự phòng quận 9 đang khoanh vùng khử khuẩn tại nơi nạn nhân làm việc (làm công nhân tại Q.9, TPHCM) và sinh sống.
Trước đó, nạn nhân tử vong vào ngày 3/6 là ông L.K.S, sinh năm 1952, trú tại Tam Nông (Đồng Tháp) chỉ bị sốt và tự mua thuốc về điều trị ở nhà. Sau khi uống thuốc có biểu hiện giảm sốt nên chủ quan. Khi thấy tức ngực khó thở mới đưa đến BV tuyến tỉnh và được chuyển viện lên BV Chợ Rẫy vào ngày 1/6. Khi nhập viện bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo và tiếp xúc tốt nhưng tử vong sau đó 2 ngày. Kết quả PCR cho thấy, ông S dương tính với cúm A(H1N1). Cả gia đình có 9 người nhưng những người còn lại không ai bị nhiễm cúm này. Qua khai thác bệnh sử, các BS ghi nhận bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp.
Một trường hợp khác tử vong trong tháng 5/2013 là một cụ ông, 72 tuổi ở Q.11, TPHCM. Trước đó, cụ ông đã đi du lịch Rừng Sác và về đến nhà thì nhiễm cúm.
Làm gì để phòng, chống cúm A(H1N1)
Vậy, ai là đối tượng nguy cơ cao dễ bị biến chứng nặng của bệnh cúm A(H1N1)? Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM – bệnh cúm A(H1N1) lây lan trong cộng đồng và đối tượng dễ bị tử vong khi nhiễm cúm này thuộc nhóm nguy cơ cao.
Cụ thể: Những người cao tuổi (trên 65 tuổi), hoặc trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt những trẻ dưới 2 tuổi dễ bị biến chứng phổi. Người có các bệnh mạn tính như bệnh suyễn (hen), bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, bệnh tim mạch, rối loạn về thận, rối loạn về gan… Người bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh (ung thư, HIV/AIDS) hoặc do dùng thuốc. Phụ nữ mang thai.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị biến chứng nặng, sức chống đỡ bệnh tật bị giảm sút. Thêm vào đó, virus cúm A(H1N1) dễ tấn công làm cho bệnh lý sẵn có trước đó của người bệnh trầm trọng và nặng nề hơn. Tất cả những điều này khiến người bệnh có nguy cơ bị tử vong. Theo BS Siêu, những người có nguy cơ cao và có những dấu hiệu nghi cúm thì cần đến bệnh viện ngay để được khám bệnh sớm.
Đối với tất cả các bệnh nhân khi bị nhiễm cúm cần phải theo dõi khi có các dấu hiệu: Thở nhanh, khó thở hoặc thở nông, cảm giác hụt hơi, tức ngực; đau hoặc cảm giác nặng ngực hoặc bụng; chóng mặt; cảm giác buồn ngủ, lơ mơ không tỉnh táo; nôn ói nhiều hoặc nôn ói liên tục; các triệu chứng cúm (sốt, ho…) đã giảm nhẹ bỗng nhiên xuất hiện trở lại. Khi có các dấu hiệu nói trên, nếu đang ở nhà phải đến bệnh viện ngay. Nếu người bệnh đang nằm theo dõi tại bệnh viện phải báo ngay cho cán bộ y tế điều trị.
Theo khuyến cáo của các BS tại BV Bệnh Nhiệt đới, TPHCM, để phòng tránh bệnh cúm cho những người có nguy cơ cao cần hạn chế tối đa đến những nơi đông người; tránh tiếp xúc với người bị cúm; giữ phòng ốc, nhà cửa luôn thông thoáng; rửa tay với nước và xà phòng thường xuyên, nhiều lần trong ngày; tránh sờ tay lên mũi, mắt, miệng. Ngoài ra, một biện pháp khác để phòng tránh cúm A(H1N1) là đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.
Nhật Hà.CHITI
Theo