Đó là ý kiến của nhiều trường trung cấp (TC) nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đối với dự thảo mới của Bộ GDĐT về đào tạo liên thông. Theo đó, thay bằng việc thi 2 môn cơ bản và 2 môn cơ sở ngành như trước đây, thí sinh dự thi liên thông sẽ phải thi 2 môn văn hoá (văn, toán, lý, hoá…) theo từng khối thi trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy và môn cơ sở ngành.
Các trường TCCN… hấp hối
Một trong những lý do quan trọng khiến các trường TCCN và TC nghề vẫn còn có thí sinh để đào tạo là cơ hội được học liên thông để lấy bằng CĐ, ĐH ngay trong trường. Tuy nhiên, dự thảo của Bộ GDĐT này đã khiến nhiều em… vỡ mộng.
Em Trần Thị Diễm My – khoa Kế toán, Trường Trung cấp Ánh Sáng cho biết: “Thi trượt ĐH, CĐ, em chọn học TC với mong muốn sau 2 năm học sẽ được thi liên thông học tiếp lên ĐH. Giờ Bộ yêu cầu như vậy thì thực sự là làm khó chúng em. Sau 2 năm học chuyên nghiệp, làm sao chúng em còn nhớ kiến thức văn hoá, chẳng lẽ tốt nghiệp TC xong chúng em lại phải đến các lò luyện thi liên thông?”.
Đào tạo nghề điều dưỡng viên hệ TC tại Trường Trung cấp Ánh Sáng
Không chỉ thí sinh, nhiều trường TCCN, TC nghề cũng không đồng tình với điểm mới này. Ông Đỗ Hữu Khoa – Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn, Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp TP.HCM, nhận định: “Với đề xuất của dự thảo thì học sinh TCCN, TC nghề muốn thi liên thông là chuyện không tưởng. Bởi đầu vào TC rất đa dạng, ngoài học sinh tốt nghiệp THPT còn tuyển cả học sinh tốt nghiệp lớp 9, học sinh học giữa chừng các lớp 10, 11, 12. Chưa kể, sau 2-3 năm học TC thì kiến thức ở phổ thông còn đâu để tham gia kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy”.
Đào tạo… ngược
Ông Phan Dũng Danh – Hiệu trường Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á cho rằng: “Đặc điểm của từng hệ đào tạo là khác nhau. Nếu mong muốn đầu vào hệ liên thông ngang bằng được với đào tạo chính quy thì đúng là làm khó cho các trường TCCN, TC nghề”.
Quan điểm của Bộ GDĐT trong việc thay đổi “đầu vào” hệ liên thông với mong muốn có thể siết chặt và nâng cao trình độ của hệ đào tạo này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường, chu trình này đang… đi ngược.
Ông Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng bày tỏ: “Đào tạo liên thông là “con đường vòng” dành cho những thí sinh kém may mắn nhưng mong muốn học lên cao. Nếu Bộ muốn siết để nâng cao chất lượng thì nên siết chỉ tiêu, siết quá trình đào tạo, siết đầu ra chứ không nên siết đầu vào”.
Ông Sáng cũng phân tích: Để đạt được mục tiêu đào tạo ĐH và bảo đảm chất lượng đào tạo ngang bằng giữa các đối tượng học (học từ đầu và học liên thông), chúng ta phải sử dụng chuẩn đầu ra để đánh giá. Nếu các trường xây dựng chuẩn đầu ra khác nhau giữa các đối tượng học thì đương nhiên sẽ có chất lượng đào tạo khác nhau.
Ông Phan Dũng Danh thì cho rằng: “Đào tạo liên thông là quá trình kết nối giữa bậc đào tạo thấp và cao hơn. Nếu sinh viên không theo kịp và không qua được các môn trong chương trình đào tạo, họ sẽ bị đánh rớt. Đó là một kiểu sàng lọc. Quá trình đào tạo quyết định chất lượng chứ không phải đầu vào”.
“Không chỉ có đào tạo liên thông, mà nhiều khâu đào tạo của chúng ta đang có vấn đề. Chúng ta đang quá đặt nặng vấn đề đầu vào. Các kỳ thi ĐH, CĐ rồi giờ là liên thông ĐH, CĐ trong cả nước đã làm cho từ già đến trẻ, từ bé đến lớn tập trung đầu tư… đau hết cả đầu. Nhưng xã hội không cần cái đó, xã hội cần là cần cái đầu ra. Ta đang đi ngược quy luật này”.
Ông Đặng Như Lợi
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
“Việc ban hành thông tư này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cả đầu vào lẫn đầu ra. Bộ cũng lắng nghe ý kiến để chỉnh sửa. Về phía sinh viên, tôi khuyên các em cố gắng học tập tốt và sẽ có nhiều con đường để học tập, lấy bằng ĐH và sẽ nhiều cơ hội tiến thân trong xã hội”.
Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GDĐT