A. Đại cương
Châm Cứu là tên gọi chung 2 phương pháp phòng và trị bệnh cổ truyền.
Châm là dùng kim (vật nhọn…) đâm, kích thích vào huyệt. Cứu là dùng hơi nóng tác động lên huyệt.
Châm và cứu đều nhằm mục đích: với tác dụng lý học (vật nhọn đâm vào…) hoặc hoá học, kích thích vào các huyệt, tạo nên những phản ứng thích hợp với từng trạng thái bệnh lý, điều hoà và duy trì sự hoạt động bình thường của cơ thể, tiêu trừ các hiện tượng mất thăng bằng (tức là các hiện tượng bệnh lý), giảm đau…
I.B- Lịch Sử Châm Cứu
Chữ Y theo nguyên ngữ lúc ban đầu là tạo thành bởi 3 phần:
2 phần trên, 1 phần có nghĩa là cung tên, phần thứ 2 tượng trưng bàn tay vung lên còn phần dưới tượng trưng cho ông thầy pháp.
Trọn nghĩa ban đầu có nghĩa là ông thầy pháp dùng những vũ khí mạnh. Dùng tay xử dụng mũi tên (có thể hiểu là để đuổi bệnh tật, cũng có thể hiểu là để đâm vào huyệt). Như vậy, Châm cứu đã có từ lâu, hầu như gắn liền với việc phát minh ra thuốc.
Theo các nhà nghiên cứu: châm cứu bắt nguồn từ thời đồ đá (trên 4000 năm trước Công nguyên). Theo nguyên từ ‘Acupunture’ tiếng La Tinh là Acus (nhọn), Punturus (điểm, dấu chấm), dùng vật nhọn đâm vào huyệt.
Người xưa thoạt tiên dùng đá mài nhọn làm kim châm (biêm thạch) hoặc dùng xương để châm (cốt châm), hoặc tre vót nhọn (trúc châm). Khi loài người từ thời đồ đá chuyển sang thời đại đồ đồng thì kim bằng đồng, có diện tích mũi kim nhỏ (vi châm) cũng dần dần thay thế các kim bằng xương, tre, đá thô sơ, để rồi kim bằng vàng, bạc xuất hiện. Hiện nay trên thế giới đang thông dụng các loại kim làm bằng những hợp chất kim loại không rỉ, có độ bền cao… Thế giới cũng đang nghiên cứu xử dụng châm bằng tia Laser, bằng âm thanh… không tạo nên cảm giác đau như khi châm kim thông thường nhưng hiệu quả vẫn có thể không kém như châm cứu cổ điển.
Quyển sách được coi là xưa nhất về Châm cứu là quyển ‘Nội Kinh Linh Khu’ viết cách đây gần 3000 năm (770-221 trước Công Nguyên). Trong quyển sách Châm cứu xuất bản ở NewYork năm 1973, Felix Mann cho biết rằng ở viện bảo tàng LonDon có giữ 1 bản vẽ về các đường kinh của con người từ năm 1550 trước Công Nguyên.
Thế kỷ thứ 3, đời nhà Tấn, Hoàng-Phủ-Mật (21-282) dựa theo sách ‘Nội Kinh’ và ‘Minh Đường Khổng Huyệt Châm Cứu Trị Yếu’ soạn ra quyển ‘Châm Cứu Giáp Ất Kinh’, xác định được 349 huyệt.
Đời nhà Đường, thế kỷ thứ 7, đã tổ chức ‘Thái Y Thư’ để dậy Châm cứu (đây có lẽ là trường dậy đầu tiên về châm cứu), trong đó có 1 thày dậy châm cứu, 1 trợ giáo, 10 thầy thuốc, 20 châm y và 20 châm sinh.
Thế kỷ 11, đời nhà Tống, Vương-Duy-Nhất soạn ra ‘Đồng Nhân Du Huyệt Châm Cứu Đồ Kinh, xác định lại tên 364 huyệt, chủ trị và cách châm.
Đồng thời ông cho đúc 2 pho tượng đồng cao to bằng người thật, trên đó khắc huyệt và ghi tên huyệt để dậy.
Thế kỷ 16, đời nhà Minh, Dương-Kế-Châu soạn quyển ‘Châm Cứu Đại Thành’, gồm 10 quyển, dựa theo quyển ‘Huyền Cơ Bí Yếu’ và tổng hợp kinh nghiệm riêng cũng như thu thập hầu hết các tinh hoa của các cuốn sách trước đó, vì vậy, quyển ‘Châm Cứu Đại Thành có giá trị rất cao và được coi là nền tảng của châm cứu cổ điển.
Sau quyển Châm Cứu Đại Thành, có khá nhiều sách viết về Châm cứu nhưng nội dung không có gì mới lạ hơn sách Châm Cứu Đại Thành…
Đến năm 1974, quyển sách ‘Châm Cứu Học’ của Thượng Hải ra đời, giới thiệu châm cứu rõ hơn, nhất là về phương diện giải phẫu, thần kinh, đồng thời sách này cũng giới thiệu hầu như toàn bộ các loại châm mới như: Châm Tê, Diện Châm, Điện Châm, Đầu Châm, Nhĩ Châm, Thủ Châm, Túc Châm, Xích Y Châm… được coi là quyển sách giáo khoa tương đối đầy đủ nhất về châm cứu.
Tại Việt Nam, châm cứu đã có khá lâu và tương đối có đủ tài liệu biên soạn.
Thời vua Hùng (287-207 trước công nguyên), trong ‘Lĩnh Nam Trích Quái’ có ghi tên thầy châm cứu giỏi là An-Kỳ-Sinh, người làng Đông Triều, vào thế kỷ thứ 2, đã dùng châm cứu trị cho 1 người tên là Thôi-Văn-Tứ ở Cao Lễ, Chí Linh.
Đời Thục An Dương Vương(257-207 trước công nguyên), sách sử ghi: Thôi-Vĩ, con của Thôi-Lạng được Ma Cô Tiên cho tấm lá ngải, chuyên dùng để trị các bệnh có thịt thừa (nhục anh). Thôi Vĩ đã dùng tấm ngải này chữa khỏi cho đạo sĩ Ưng-Huyền, Nhâm-Ngao. Vì thế, có lẽ Thôi-Vĩ là người đầu tiên biết dùng phép cứu để trị bệnh.
Đời nhà Trần, dưới triều vua Trần Dụ Tông, Trâu-Canh dùng châm cứu cứu sống thái tử Hạo (con vua Trần Minh Tông) khỏi chết đuối, sau đó, khi thái tử Hạo lên ngôi (tức vua Trần Dụ Tông) lại cho mời Trâu-Canh làm ngự y và chữa cho nhà vua khỏi bệnh liệt dương.
Đời nhà Hồ (1401-1407), Nguyễn-Đại-Năng viết quyển ‘Châm Cứu Tiệp Hiệu Diễn Ca’, đây là quyển sách châm cứu đầu tiên biên soạn 1 cách công phu, được nhà xuất bản Y Học dịch và in năm 1981.
Thế kỷ 15, Nguyễn-Trực trong ‘Bảo Anh Lương Phương’ có đề cập đến phép cứu huyệt để trị bệnh cho trẻ nhỏ.
Thế kỷ 17, Lý-Công-Tuân viết ‘Châm Cứu Thủ Huyệt Đồ’và ‘Châm Cứu Tiệp Hiệp Pháp’ bằng tiếng Nôm.
Thế kỷ 18, Lê-Hữu-Trác, trong ‘Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh’ có nêu lên 1 số cách châm cứu trị bệnh cho trẻ nhỏ.
Vào thời kỳ Pháp thuộc, vì bị cấm đoán không được công khai hành nghề, do đó, môn châm cứu đã không được phát triển rộng rãi, mãi đến khi đất nước giành được độc lập, môn châm cứu mới được quan tâm, thừa kế và phát triển.
Tháng 10 năm 1968, Hội Châm Cứu Việt Nam được thành lập.
Năm 1982, Viện Châm Cứu tại Việt Nam được thành lập.
Tại châu Âu, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, phương Tây đã biết đến Châm cứu, tuy nhiên, châm cứu học không thể phát triển được ở Âu Châu.
Phải chờ đến những năm 1940 trở đi, khi châm cứu được áp dụng thành công trong việc gây tê giải phẫu, và sau đó năm 1957, khi Paul Nogier công bố những công trình nghiên cứu khoa học của ông về Nhĩ Châm, lúc đó, thế giới mới bắt đầu quan tâm tìm kiếm, nghiên cứu và học hỏi về châm cứu 1 cách sâu xa… Nhờ tiến bộ về khoa học thực nghiệm, Âu Châu đã có những công trình nghiên cứu hết sức lớn lao, đóng góp cho ngành châm cứu giải quyết được rất nhiều vấn đề từ cơ bản đến thực nghiệm lâm sàng, đặc biệt những công trình khảo cứu sâu về cơ chế hệ thần kinh, cơ chế của châm giảm đau, châm gây tê…
Châm cứu được ông cha chúng ta tiếp thu và truyền thụ lại, đó là 1 di sản quý báu mà chúng ta cần thừa kế, nghiên cứu và phát huy.