Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ để làm rõ những điểm mới cơ bản trong Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, đang được dư luận hết sức quan tâm.
PV: Xin ông cho biết, theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, đối tượng được miễn, giảm học phí thay đổi như thế nào?
Trả lời: Nghị định 74/2013/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số đối tượng được miễn, giảm học phí trong Nghị định , đó là:
– Sinh viên học chuyên ngành Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
– Học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y và Giải phẫu bệnh.
– Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Nghị định 74/2013/NĐ-CP bãi bỏ một số đối tượng được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập:
– Bãi bỏ đối tượng miễn học phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 49 đó là: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Bãi bỏ đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 49 đó là: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng bổ sung việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập (mức cấp bù bằng với mức trần học phí tương ứng với nhóm ngành nghề theo quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP).
Điều này đảm bảo sự công bằng về chính sách đối với học sinh công lập và ngoài công lập. Đây là điểm quy định bổ sung rất mới, góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách khi theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập (Trước đây Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC, ban hành ngày 20/11/2006 của Liên Bộ quy định hỗ trợ cho con của người có công với cách mạng đi học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập nhưng mức hỗ trợ rất thấp).
PV: Làm sao có thể khắc phục được việc chậm trễ trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua, thưa ông ?
Trả lời: Trong quá trình thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương thấy rằng việc cấp bù học phí cho các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí thông qua gia đình người học ở địa phương trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Học sinh, sinh viên và gia đình người học phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục xác nhận và nhận tiền cấp bù miễn, giảm học phí, rất khó khăn và tốn kém chi phí đi lại đối với gia đình người học sống ở địa bàn miền núi, vùng sâu…
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương thực hiện chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí thường rất chậm (do biên chế ít người, đối tượng chi trả nhiều nên mất nhiều thời gian thu lý hồ sơ). Đây là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí và gây bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua.
Qua các phương tiện truyền thông, các Đại biểu Quốc hội, sinh viên, học sinh phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo đều kiến nghị thay đổi phương thức cấp bù tiền miễn giảm học phí. Đây là một trong các lý do chủ yếu dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.
Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên sẽ thông qua cơ sở đào tạo thay vì thông qua gia đình người học |
Theo đó, theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thông qua cơ sở đào tạo thay vì thông qua gia đình người học. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội khóa 12, đồng thời giảm thiểu đáng kể thủ tục thanh toán đang gây chậm trễ và phiền hà cho người học và gia đình họ thời gian qua.
Ngoài ra, Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng tạo điều kiện hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các doanh nghiệp nhà nước trong việc xác định mức thu học phí, thay vì phải trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để phê duyệt thì nay chỉ cần xây dựng mức thu học phí và báo cáo về 2 Bộ trước khi thực hiện, điều này đã góp phần giảm thiểu về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục đào tạo.
PV: Ông có thể cho biết lý do lựa chọn việc miễn, giảm học phí theo đối tượng thay vì theo vùng miền ?
Trả lời: Thời gian qua, việc miễn học phí theo vùng miền, dẫn đến việc miễn, giảm học phí tràn lan, có đối tượng là con hộ gia đình khá giả trong vùng cũng được miễn giảm học phí và cấp hỗ trợ chi phí học tập, gây bức xúc trong dư luận, đồng thời việc miễn giảm học phí như vậy sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Nay theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP thì việc miễn, giảm học phí sẽ thực hiện theo đối tượng (các đối tượng đã qui định trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP và đối tượng bổ sung trong Nghị định 74/2013/NĐ-CP).
PV: Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, sinh viên chuyên ngành nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí. Tuy nhiên khi áp dụng gặp một số vướng mắc trong việc xác định đâu là chuyên ngành nặng nhọc, độc hại, vậy Nghị định 74/2013/NĐ-CP sẽ gỡ vướng mắc này như thế nào?
Trả lời: Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã sửa đổi rất cơ bản đối tượng được giảm 70% học phí. Theo đó chỉ có một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở lĩnh vực dạy nghề mới được giảm 70% học phí. Đối với học sinh, sinh viên học Đại học, cao đẳng sẽ không có đối tượng giảm 70% học phí.
Tại Nghị định 74/2013/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục cụ thể các nghề để được giảm 70% học phí. Văn bản này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ sớm ban hành trong thời gian tới để kịp thực hiện trong năm học mới.
PV: Nhiều sinh viên băn khoăn về mức cấp bù học phí vì thực tế hiện nay học phí ở mỗi trường là khác nhau. Xin ông cho biết, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí liệu có được cấp bù 100% số tiền học phí phải đóng tại trường không?
Trả lời: Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập: mức cấp bù học phí tối đa theo khung học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tương ứng với từng nhóm ngành nghề, theo từng năm học và theo quy định của Nhà trường (Trường có thể quy định trong khung và dưới mức trần theo từng năm học). Như vậy không có sự khác nhau nhiều về mức học phí cấp bù nếu học sinh, sinh viên đó cùng học ở 2 trường khác nhau nhưng cùng nhóm ngành đào tạo. Các đối tượng được miễn, giảm học phí sẽ được Nhà nước cấp bù tiền học phí tương ứng với việc được giảm 50%, 70% hay được miễn 100% học phí.
Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập: Mức cấp bù học phí sẽ theo mức học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tương ứng với các nhóm ngành nghề. Như vậy, nếu trường ngoài công lập thu học phí cao hơn mức quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì đối tượng miễn, giảm học phí chỉ được nhận mức cấp bù tối đa theo mức học phí quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thu Hằng Chinhphu.vn